2024

Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu trên con đường hội nhập và phát triển

Thứ bảy - 25/02/2012 15:45
Diễn Châu với diện tích 310 km2, có gần 30 vạn dân là mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều truyền thống của dân tộc được kết tinh, hun đúc nơi đây, trong đó truyền thống hiếu học và học giỏi luôn được dữ vững và phát huy mạnh mẽ.
Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu trên con đường hội nhập và phát triển
Trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc, các phòng ban chuyên môn sở GD&ĐT Nghệ An; của Ban Thường vụ Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; sự quan tâm, chăm lo đến chất lượng và phong trào giáo dục của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các xã, thị trấn; sự phối hợp của Ban ngành, đoàn thể cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh ở tất cả các trường trong huyện, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong các nhà trường và trong toàn ngành giáo dục. Ngành Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tất cả các mặt giáo dục toàn diện. Kết quả đó càng khẳng định Diễn Châu là một trong những huyện có truyền thống về giáo dục của tỉnh Nghệ An, xứng đáng là đơn vị tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.
       
Đến nay, Diễn Châu đã xây dựng được một hệ thống giáo dục với quy mô ổn định, đủ các cấp học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá; từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của toàn dân để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Năm học 2010- 2011, toàn huyện có 127 trường học với 76.411 học sinh các cấp học, trong đó 40 trường mầm non với 12.305 cháu, 42 trường tiểu học với 21.640 học sinh, 35 trường THCS với 19.401 học sinh, 9 trường THPT và 1 Trung tâm GDTX với 15.065 học sinh. Trẻ các độ tuổi ra nhà trẻ đạt 20,8%, trẻ các độ tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 88,9%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; Các trường học đã có nhiều giải pháp tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường duy trì sĩ số học sinh, hạn chế học sinh bỏ học.
       
Đội ngũ cán bộ, giáo viên được sắp xếp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Toàn huyện có 4.748 cán bộ, giáo viên với 100% có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đối với giáo viên mầm non là 52%, tiểu học là 85% và THCS là 71%, THPT là 10%. Số cán bộ, giáo viên là đảng viên có 2.443 đồng chí, chiếm tỷ lệ 52,3%. Đa số họ tâm huyết với nghề, yên tâm công tác, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý và giảng dạy trong thời kỳ hội nhập. Từ năm học 2001-2002 đến nay Diễn Châu đã có hơn 300 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, gần 1200 GV dạy giỏi cấp huyện, có gần 200 SKKN bậc 4 trong đó có 4 SK được Sở  KH CN công nhận công trình khoa học họ là những con chim đầu đàn trong việc giáo dục thế hệ trẻ Diễn Châu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây số lớp của các trường THCS giảm nhanh nên thừa giáo viên so với quy định, ảnh hưởng đến việc thu hút, bổ sung giáo viên giỏi và giáo viên bộ môn còn thiếu.
      
Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư xây dựng khá toàn diện. 100% các xã đều có trường học cao tầng. Các trường cơ bản có đầy đủ phòng học và các phòng chức năng phục vụ hoạt động dạy và học (tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 76%). Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý và dạy học được quan tâm đầu tư đúng mức. Toàn huyện có 100% số trường có mạng Internet, có đầy đủ máy tính cho công tác quản lý của nhà trường, 26 trường có phòng học được trang bị từ 16 đến 24 máy tính phục vụ cho dạy tin học. Đặc biệt, Phòng và nhiều trường đã có website riêng phục vụ hoạt động chuyên môn. Việc đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư quyết liệt. Đến nay đã có 83 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó, Mầm non 26/40 trường, Tiểu học 40/42 trường, THCS 17/35 trường. So với toàn tỉnh, Diễn Châu là huyện có số lượng trường đạt chuẩn nhiều nhất, tỷ lệ trường đạt chuẩn trên 70% ( tỷ lệ chung của tỉnh là 46%) các trường đạt chuẩn đã góp phần rất quan trọng cho sự phát triển của giáo dục huyện nhà; đặc biệt trường Mầm non Diễn Kỷ là trường  đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại Diễn Châu là điểm sáng về xã hội hoá, năm học 2010-2011 toàn huyện đã huy động hơn 7 tỷ, đến tháng 1/2012 huy động hơn 8 tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân, các cơ quan, các doanh nghiệp các nhà hảo tâm. Giáo dục Diễn Châu được các huyện trong và ngoài tỉnh về tham quan học tập.
      
Tuy nhiên, do yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay cơ sở vật chất của một số trường vùng biển vẫn còn gặp  khó khăn, vẫn thiếu phòng học ở các trường mầm non, chưa đủ phòng chức năng ở các trường THCS và Tiểu học.
      
Trong những năm qua, toàn ngành thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; thực hiện nghiêm túc “Quy định về đạo đức nhà giáo” theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ Giáo dục & Đào tạo; chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh; phối hợp chặt chẽ và nâng trách nhiệm, hiệu quả giáo dục gia đình; tích cực, chủ động ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Đồng thời, ngành tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục cơ bản hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp; giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn. Công tác phổ cập giáo dục được thực hiện có hiệu quả với 100% xã, thị đã PCGD Tiểu học và THCS đúng độ tuổi; triển khai hiệu quả “Đề án phổ cập giáo dục mẫu giáo trẻ 5 tuổi”. Thực hiện thành công chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập.
      
Năm học 2010-2011, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, Diễn Châu tiếp tục khẳng định là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh với 76/90 em dự thi đạt giải (nhất 7 em, nhì 24 em, ba 27 em và khuyến khích 18 em); giao lưu Olympic Tiếng Anh qua Internet cấp tỉnh từ lớp 3- 9 có 64 em đạt giải (nhất 38 em, nhì 18 em, ba 6 em và khuyến khích 2 em); trong kỳ giao lưu Olympic Tiếng Anh qua Internet cấp Quốc gia, trong số 7 em dự thi có 2 em đạt huy chương đồng và 2 được Bằng danh dự; kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 có 119 em đạt giải (nhất 3 em, nhì 22 em, ba 38 em và khuyến khích 56 em). Tỷ lệ  tốt nghiệp THCS và THPT đạt 98%;  hơn 40 % học sinh THPT vào CĐ và đại học; học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT đạt 71%
      
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được các nhà trường thực hiện có hiệu quả, được Bộ và Sở GD& ĐT đánh giá cao. Ngành phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các đoàn thể, Hội khuyến học ở địa phương tổ chức “Tháng khuyến học”, thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) đối với học sinh; phối hợp trao nhiều suất học bổng khuyến học cho học sinh; triển khai nội dung “đi học an toàn” cho học sinh trên đường đi học, trong trường và tại các địa điểm tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập khác. Các nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, các tượng đài, nghĩa trang liệt sỹ; thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng.
     
Được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ, giáo viên toàn ngành, từ năm học 2001-2002 đến nay, ngành GD- ĐT Diễn Châu đã gặt hái được những thành tích đáng trân trọng: 9 năm liên tục là đơn vị Tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, luôn trong tốp dẫn đầu của giáo dục tỉnh nhà; nhiều năm liền được các cấp, ngành tặng nhiều Bằng khen, cờ thi đua, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2009). Trường Tiểu học Diễn Xuân được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. 9 giáo viên được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú... Đây là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ giáo viên, học sinh và các cấp các ngành cùng toàn thể nhân dân huyện nhà.
     
Để có được những thành tích đó, suốt nhiều năm qua ngành GD- ĐT Diễn Châu thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; phân cấp quản lý hợp lý, giao quyền chủ động cho nhà trường gắn với cơ chế chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực được phân công cho các tập thể và cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành trong việc xây dựng phong trào toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo; phát huy tâm huyết, nhiệt tình, gắn bó nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên; quan tâm chăm lo giáo dục học sinh; tích cực đổi mới phương pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả giảng dạy. Trong từng nhà trường thực hiện nền nếp, kỷ cương, xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, nhất trí; Thực hiện dân chủ, công bằng và công khai trong giáo dục; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo; giữ gìn sự ổn định để tập trung hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Các trường đều xác định: chất lượng học tập của học sinh sẽ tạo nên “thương hiệu” của mình để nhân dân, chính quyền địa phương nhận thấy ý nghĩa và vai trò của giáo dục và đào tạo trong sự phát triển kinh tế xã hội huyện nhà.
      
Bên cạnh đó, toàn ngành đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” trong nhân dân; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, huy động các nguồn lực để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đây là mũi đột phá có ý nghĩa tiên quyết, bao trùm trong quá trình chỉ đạo và tổ chức hoạt động giáo dục góp phần cực kỳ quan trọng nâng cao chất lượng toàn diện.
      
Năm học 2011-2012 và  những năm tiếp theo  giáo dục Diễn Châu đang dành quyết tâm cao nhất nhằm tiếp tục có bước phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu đổi mới của Đất nước, toàn ngành tập trung làm tốt các nội dung sau đây: Chăm lo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ; ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả giáo dục; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức; chú trọng các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho học sinh. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục tạo sức mạnh tổng hợp để toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tăng cường đầu tư CSVC trang thiết bị dạy học cho các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa quản lý giáo dục, phân cấp và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục phù hợp với địa phương và từng vùng miền.
       
Giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của toàn xã hội vì vậy giáo dục nói chung và giáo dục Diễn Châu nói riêng mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo nhiều hơn nữa của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ban Ngành Đoàn thể và của Ngành. Sự đầu tư nguồn lực nhằm tăng cường CSVC kỹ thuật cho giáo dục, tiếp tục quan tâm đời sống của đội ngũ CBGV tạo điều kiện để họ toàn tâm toàn lực cho sự nghiệp trồng người. Hội nhập và phát triển là xu thế tất yếu, toàn ngành giáo dục Diễn Châu quyết tâm phấn đấu đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển bền vững trên tầm cao mới.
                                                                                                                                                                                           Diễn Châu, tháng 1 năm 2012

Tác giả bài viết: Ngô Quang Long - Trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo

Nguồn tin: dienchau.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 44 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây